Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Trung thu, nhớ trẻ đồng rừng

TTO - Trung thu đã đến nhưng trên đất nước mình còn nhiều trẻ em, dù sống ở vùng đất không dính bão số 9, vẫn chưa biết rằng cuộc sống này còn có cái Tết trung thu. Đó là những em bé tôi đã gặp trên cung đường đi Sa Pa, Mường Khương của tỉnh Lào Cai.

Cậu bé này theo mẹ đi cắt hoa cải vàng. Trên đường về nhặt được chiếc lốp xe hỏng và lập tức nó thành một món đồ chơi của em…
Vậy là trung thu đã đến. Trung thu là tết của trẻ em, là cái tết chỉ diễn ra một ngày nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng háo hức, mong ngóng trước cả tháng trời.
Trung thu năm nay cả dải đất miền Trung và Tây nguyên oằn mình gánh cơn bão số 9. So với nhà cửa tan hoang, cơ nghiệp trắng tay, nỗi đau mất mát người thân thì một đêm trăng không trọn vẹn có nghĩa lí gì? Vậy mà tôi cứ thương lũ trẻ, nếu như bão không đến vào dịp này thì cái tết to nhất trong năm của các em sẽ bù đắp được phần nào sự thiệt thòi quanh năm của miền gió Lào cát trắng.
Nhưng trên đất nước mình còn nhiều trẻ em, dù sống ở vùng đất không dính bão số 9, vẫn chưa biết rằng cuộc sống này còn có cái Tết trung thu. Đó là những em bé miền rừng tôi đã gặp trên cung đường đi Sa Pa, Mường Khương của tỉnh Lào Cai. Các em sống hồn nhiên như cỏ cây, lớn lên cùng sương lam buốt lạnh, hòa nhập vào thiên nhiên hoang dã của núi rừng.
Hoang dã từ trò chơi bằng xe kéo làm từ những khúc cây rừng, hoang dã khi bè bạn cả với lợn nương, gà vịt, hoang dã cả những bắp chân, bắp tay phơi trần trong sương giá mà vẫn bụ bẫm, hồng hào. Một cái Tết trung thu với mâm cỗ đủ đầy bánh nướng, bánh dẻo, các con giống vừa đẹp mắt vừa có thể ăn được, rước những chiếc đèn ông sao, đèn lồng tung tăng chạy theo đám múa lân, múa sư tử trong tiếng trống rộn ràng dường như là một điều chưa có cả trong tưởng tượng.
Điều này thôi thúc tôi lại lên đường, mang một món quà trung thu tới những đứa trẻ mà chưa biết tới bao giờ mới có thể gặp lại.
Tôi xin gửi TTO những bức hình này của các em thơ - đó là khoảnh khắc mà có thể từ khi lọt lòng đến lúc tôi bấm máy các em chưa hề xuất hiện trong bất cứ khuôn hình nào. “Món quà” này có thể đến với các em rất muộn, bởi tôi mong lắm khi các em lớn lên sẽ tìm thấy tuổi thơ của mình qua một trong những bức ảnh này.

May mắn hơn chị em Pan, đứa trẻ bụ bẫm này được mẹ cho đi theo ra chợ. Và những khúc mía là thức quà đồng rừng quen thuộc nhất của các em…
Ở bản San Sả Hồ, trò chơi của các em năm này qua năm khác vẫn vậy. Chiếc xe đẩy được “chế tạo” ra từ những khúc cây quanh nhà. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng được bố mẹ làm cho thứ đồ chơi đơn giản ấy…

Những cư dân sống ở thị trấn du lịch nổi tiếng Sa Pa ai cũng biết về chị em Pan (tiếng Mông nghĩa là Hoa). Các em đã theo mẹ bám theo khách du lịch để bán những món đồ du lịch ngay từ khi vừa lọt lòng. Mã Thị Pan giờ đã 9 tuổi, nhưng em vẫn thích đi “bám khách” quanh thị trấn hơn là đi học. Khi tôi gặp chị em Pan, bố mẹ đều nghiện nặng, sống vật vờ. Buổi sáng đó Sa Pa đẫm sương, tôi kéo chị em Pan vào chợ, mua bánh cho các em ăn. Hỏi Pan và em Khai thích ăn gì, Pan chỉ vào hàng bánh rán đang xôi xèo xèo trong chảo. Em nhanh tay nhót và cắn ăn ngon lành…
… Nhưng vừa ra khỏi chợ Pan đã ăn xong suất bánh của mình và quay sang xin em Khai. Có những lúc đói Pan phải xoay xở mọi cách để có cái ăn…
Vì thế, các em có thể chơi với bất cứ thứ gì hiện hữu quanh mình. Có thể chơi với mấy con lợn đen tuyền hay lũ vịt bên vũng nước quánh bẩm, thậm chí chơi với cả… chiếc cuốc
Em bé này may mắn nhặt được con chuột bằng nhựa bé xíu, nhưng khó ai có thể dứt khỏi tay em…

Đám trẻ trai thì nghịch ngợm hơn, chúng nhảy ào vào chuồng trâu và nô đùa với… rơm
Có đứa mệt quá lăn kềnh ra ngủ ven đường
Hai cậu bé này thì chơi “đồ hàng” như các bé gái: bày trò “nấu nướng”. Các em đang “nấu canh rau cải”. Nồi của các em chính là vỏ những món quà quen thuộc với trẻ miền xuôi như thạch rau câu, sữa chua…
Những em bé ở Pha Long ,Mường Khương. Kể cả lúc đứng bên vườn hoa cải vàng rực thế này, ánh mắt các em vẫn buồn rười rượi. Tuổi thơ các em gắn bó với vùng đất này và không hề biết tới Tết trung thu. Hi vọng lắm mai kia chính các em sẽ biến vùng đất quê hương thành một xứ sở du lịch hấp dẫn
HƯƠNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét