"Đời tui thế là mãn nguyện". Nhiều cụ già tuổi cổ lai hi đã nói như thế khi vượt cầu Cần Thơ vào hôm qua (24-4). Với họ, thế là quá khứ trăm năm vất vả vượt sông Hậu mênh mông bằng phà đã để lại sau lưng. Còn với những người trẻ, cầu Cần Thơ mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển.
Cụ ông Nguyễn Văn Phiên ở tỉnh Vĩnh Long (giữa) vui vẻ nói: “Không ngờ 81 tuổi rồi mà tôi còn được thấy cây cầu Cần Thơ này. Hồi nhỏ đi ghe buôn bán qua lại từ Bình Minh - Cần Thơ bị chìm xuồng hoài, bây giờ đi xe đạp thong dong qua cầu cùng bà con vui quá” - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Cho tới nay, chưa xác định được chính xác thời điểm khai sinh của phà Cần Thơ. Trong Bảo tàng TP Cần Thơ có bức ảnh chụp phà Cần Thơ đề năm 1900, cũng có thể đây là chiếc phà sơ khai thuở ban đầu.
Nhiều người khẳng định phà Cần Thơ chính thức có khoảng năm 1914-1918. Cho dù trên hay dưới 100 năm thì với người dân đồng bằng sông Cửu Long, phà Cần Thơ đã nằm trong ký ức nhiều thế hệ.
Khó ai tính hết được bao nhiêu người, bao nhiêu hàng hóa đã được “con đò” lớn nhất cả nước này cõng qua. Bến phà không chỉ là ký ức về bến nước, dòng sông mà cái bến ấy là cả cuộc đời, là quê hương ruột thịt. Rồi hôm qua, sau ngày khánh thành cầu Cần Thơ, phà Cần Thơ đã bàn giao gánh nặng vượt sông cho cây cầu, hoàn thành sứ mạng của mình.
Cầu Cần Thơ lung linh trong đêm - Ảnh: T.T.D.
Một chuyến phà chở khách qua bến phía Cần Thơ năm 1900 - Nguồn: Bảo tàng TP Cần Thơ
...Chuyến phà cuối cùng chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến chia tay cán bộ công nhân viên bến phà Cần Thơ (các thời kỳ) đã cập bến phà phía Cần Thơ lúc 18g ngày 24-4, kết thúc hành trình gần trăm năm - Ảnh: T.T.D.
Thủy thủ Nguyễn Văn Toàn (52 tuổi, tàu Việt Đan 4) kéo neo cho những chuyến phà cuối - Ảnh: Đức Thảo
Hành khách đặc biệt trong chuyến phà ngày 19-4, cụ Phạm Văn Chín (giữa), 85 tuổi, ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long. Cụ là tài công phà Cần Thơ từ trước năm 1950. Trên bến phà phía Cần Thơ, cụ gặp được người làm tài công phà cùng thời 25 năm trước là cụ Nguyễn Văn Kiếm, 89 tuổi (bìa trái) và một tài công hiện nay - Ảnh: Đức Thảo
Người dân Cần Thơ vui mừng đón lễ khánh thành cây cầu nối liền hai bờ sông Hậu - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Anh Kei Katayama, kỹ sư địa chất của Công ty tư vấn Chodai Co., Ltd (một trong hai nhà thầu tư vấn cầu Cần Thơ), là người đầu tiên chạy bộ qua cầu. Anh muốn là người đầu tiên chạy bộ qua cây cầu đã gắn bó với mình nhiều năm - Ảnh: T.T.D.
Công nhân tưới nước vệ sinh cầu Cần Thơ (phía Vĩnh Long) vào buổi chiều trước ngày khánh thành - Ảnh: T.T.D.
Gia đình ông Tô Văn Ngon ở Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm trên cây cầu lịch sử - Ảnh: Đức Thảo
Vợ chồng anh Kim Thương (người Khmer) ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp chạy xe máy từ nhà đưa hai con đi xem cầu - Ảnh: Đức Thảo
Một người chèo đò qua dạ cầu Cần Thơ sáng 24-4 - Ảnh: Đức Thảo
PV Tuổi Trẻ.
--------------------------------------
Mãn nguyện
Ông Nguyễn Văn - tài xế lái xe 16 chỗ ngồi người Cần Thơ, một trong những lái xe đầu tiên qua cầu trong thời khắc lịch sử này - hồ hởi: “Đây là một kỷ niệm khó quên trong đời tôi cũng như hành khách đang ngồi trên xe hôm nay. Từ nay tôi không còn phải chịu cảnh xếp hàng chờ phà nhiều giờ liền”.
Cụ Nguyễn Văn Tổng (82 tuổi, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cùng các thành viên CLB xe đạp người cao tuổi phường Bình Thủy khởi hành từ 6g sáng, đạp xe suốt tám giờ để hoàn thành chặng đường vượt cầu sang Vĩnh Long về lại Cần Thơ - Ảnh: Đức Thảo
Ông Thái Văn Quýt (ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) từ mờ sáng đã chở vợ là bà Trần Thị My lên đường dự lễ khánh thành cầu Cần Thơ. Làm lễ xong, ông bà tiếp tục nhẫn nại chờ tới 13g, thời điểm mở “cổng” cho xe qua cầu. Vừa tới đầu cầu, ông đã xúc động: “Đời tui nay 65 tuổi coi như mãn nguyện. Hồi đó ai cũng đi đò, qua phà, tên cây cầu còn chưa nghe, huống gì thấy mặt nó, rồi còn được đặt chân lên đó nữa...”. Bà My cũng nói với giọng bồi hồi: “Hồi xưa, dân quê tụi tui đi bán lúa gạo chỉ tới cảng Cái Cui rồi hết. Không bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ được đi lên cầu như bữa nay”.
Còn ông Ba Tràng, chủ doanh nghiệp xe Tiến Đạt ở Trà Cú (Trà Vinh), cũng làm cuộc hành trình từ 5g sáng. Ông đi xe gắn máy một mình, theo quốc lộ 54 về tới Bình Minh (Vĩnh Long), qua phà rồi vòng lại đường dẫn mé Cần Thơ, đứng phơi nắng chờ thông xe qua cầu. Ông nói đi chuyến này để “lấy cảm giác”, một là qua chuyến phà cuối cùng, giã từ việc đi phà bao đời nay, hai là đặt chân lên cầu Cần Thơ coi nó ra sao. Đi tới đầu cầu, ông hít thật sâu gió mát từ sông, miệng lẩm bẩm “mát thiệt, mát thiệt”. Ông chạy xe thật chậm như sợ uổng phí nguồn không khí trong lành mình đang thưởng thức. Qua tới nút giao thông Bình Minh, ông quay lại đi thêm một vòng nữa, “cho nó đã” - ông hào hứng.
Trong khi đó, ông Tám Ngân (Trần Minh Ngân), 83 tuổi, ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long, đang dự tính cho mình một kế hoạch. Ông phấn khởi: “Sáng nay lên cầu thấy thoải mái quá, tui tính đầu tuần tới rủ thêm mấy ông bạn già tuổi 70 tới 90 làm cuộc hành trình đi bộ qua cầu Cần Thơ. Mơ ước nhiều năm, nay có rồi, cữ gì mà không chơi một lần cho mãn nguyện”.
P.NGUYÊN - Q.VINH - D.T.HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét