Cứ 2 năm một lần, lễ hội đu tiên lâu đời nhất ở Huế diễn ra ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền với nhiều màn trình diễn “vút bay” đẹp mắt. Đu tiên như một phong tục truyền thống đã khắc sâu vào trái tim của mỗi người dân nơi đây.
Đu tiên được du nhập vào xứ Thuận Hóa (Huế ngày nay) rất lâu, từ thế kỷ 14. Làng Điền Hòa là một trong những nơi đã diễn ra đu tiên sớm nhất. Hồi ấy, khi người Đại Việt đang chơi đu tiên ngày Tết thì con trai Chiêm Thành đến rình bắt con gái Việt về.
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)…, mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về”.
Từ đó, ở nhiều vùng nông thôn Huế như Phước Yên, Phò Trạch, đu tiên là một trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, được tổ chức từ ngày 26 tháng Chạp và kéo dài cho đến mồng 7 tháng Giêng, với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau.
Phổ biến nhất vẫn là hình thức đu đôi, vẫn được gọi là đu tiên, với từng cặp thanh niên cùng lên đu so tài. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng, như trong câu ca:
Nhún mình như thể nhún đu.
Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm
Đu tiên ở xã Điền Hòa ngày mồng 2 tết Tân Mão
Những cuộc đu tiên ở Huế trước 1945 các tay đua chủ yếu là nam giới, hiếm khi có nữ giới tham gia. Vì phụ nữ Huế lúc ấy đã theo nếp gia phong Nho giáo, khác với phụ nữ thời các chúa Nguyễn, say trò đu tiên đến độ bị người Chiêm Thành đến rình bắt mà không hay biết.
Hiện tại, đu tiên đã có nữ giới thi tài. Tại làng đu tiên Điền Hòa có tục 2 năm đu 1 lần. Xuân 2011 có 2 phần đua của đôi nam, đôi nữ. Vẫn có một chiếc khăn hồng nhưng người đu không cần giật khăn vì nguy hiểm. Ban giám khảo chấm điểm trên tiêu chí: đu cao nhất rồi mới đến đẹp nhất sẽ được giải.
Những điệu đu tiên cũng có một cách giải thích “thăng hoa” hơn. Đó là khi cây đu đưa người chơi lên cao, xa mặt đất và đi vào bầu trời sẽ tạo cảm giác như đang đến gần cõi tiên, cõi thượng giới.
Một số hình ảnh "thăng hoa" cùng đu tiên Điền Hòa được chúng tôi ghi lại vào ngày mồng 2 tết năm nay.
2 thiếu nữ mặc áo dài truyền thống lên cây đu chuẩn bị vòng đu
Toàn bộ giá đu được làm từ những thân tre ngà chắc chắn, tuy thấy hơi chong chanh nhưng không bao giờ bị sập
Khi đu đưa cao về phía người nào thì người đối diện phải ngồi xuống để tạo thêm lực đẩy
Đu tiên Điền Hòa đã có tuổi đời 7 thế kỷ qua, màu hồng của áo, màu xanh của tre cho ta cảm giác xuân dân tộc đã về
Một điệu đu tiên đoạt giải khi cây đu vút bay lên trời và song song mặt đất.
Bài: Đại Dương
Ảnh: Văn Trân
Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét