Ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, ngày mùa, nhất là thu hoạch vụ chiêm xuân, làng quê còn rộn ràng, nhộn nhịp hơn dịp tết. Cánh đồng, đường làng, góc sân, ngõ nhà... đâu đâu cũng vướng vít sắc màu vàng ươm của lúa của rơm.
Rơm trải trên khắp nẻo đường
Đã một lần lỡ hẹn nên vụ xuân này tôi quyết phải lang thang về đồng quê. Từ Hà Nội, một mình một xe thẳng tiến. Tôi chọn Hải Dương vì ở đó tôi có nhều bạn bè hồi còn trong lính. Hải Dương cũng là một trong những địa phương sản xuất lúa nổi tiếng xưa nay.
Những cánh đồng ngút ngàn, viên mãn của các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Bình Giang, Thanh Giang, Thanh Miện đã bước vào thu hoạch. Đường làng kĩu kịt xe đạp thồ lúa, tiếng máy tuốt giòn giã khắp nơi. Ngoài đồng, có cảm giác như người dân túa cả ra đồng, cặm cụi trên sào lúa của mình. Nhà nhà tất bật, người gặt, người gom, người thồ, làm như cuốn chiếu. Nhiều bạn trẻ đi học hoặc đi làm xa, dịp này cũng tranh thủ trở về phụ giúp gia đình.
Người dân chuyển lúa từ cánh đồng về nhà mình bằng nhiều phương tiện, tùy địa hình, đường sá: gánh bộ (với ruộng lúa gần nhà), xe đạp thồ, xe kéo, xe gắn máy hoặc xe lôi…
Con đê và những gốc nhãn cổ thụ cho bóng mát lý tưởng
Phổ biến, cơ động nhất vẫn là xe đạp thồ
Tuốt lúa trong sân nhà
Cây lúa được tuốt thủ công, phơi thật chắc, giòn để bó chổi
Rơm còn được phơi khô, dự trữ làm chất đốt
“Cây” rơm - nhà nào cũng có sau mỗi vụ gặt
Qua đi rất nhanh, trong vòng nửa tháng một cánh đồng có thể đã xong vụ gặt. Năm rồi tôi đi trên cánh đồng Nam Sách, ngó mông lung bỗng nhớ đến câu hát của Trịnh Công Sơn: Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong. Trong tôi lúc ấy không thể nào có sự so sánh khác hơn và… hay hơn được.
Ngày mùa, lang thang một chuyến đồng quê mới biết người nông dân nâng niu, chắt chiu từng chút thành quả lao động trên mảnh đất của mình. Đối với họ, một hạt lúa vàng bao giờ cũng là “chín giọt mồ hôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét