Mỗi năm chỉ họp vài ngày vào dịp giáp Tết Nguyên Đán, kẻ bán người mua nói chuyện nhẹ nhàng với nhau và không hề mặc cả - đó là những nét đặc trưng của phiên chợ “bán rủi, mua may” trên phố Hàng Mã.
Chợ đồ cũ, đồ cổ Hà Nội hàng năm chỉ họp vào những ngày giáp Tết Nguyên đán từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp Âm lịch, đông nhất là từ 28 đến 30 tết, tại khu vực ngã tư Hàng Mã - Hàng Rươi.
Cũng giống như chợ Viềng ở Nam Định, phiên chợ đồ cũ, đồ cổ duy nhất ở Hà Nội này cũng mang ý nghĩa bán đi cái rủi, mua lấy cái may về cho năm mới. Các đồ bày bán ở đây rất đa dạng song phần nhiều là đồ cũ, chỉ có những tay chơi đồ cổ “máu mặt” mới kiếm tìm được những món đồ cổ thực sự tại phiên chợ này.
Du khách đến đây có thể ngắm nghía từ chiếc bình gốm Bát Tràng vuốt tay, những chiếc vò, thạp, thố, ấm, chén… đã sứt miệng, nứt quai, phai ố màu men bởi thời gian đến những chiếc rìu, rựa, dao hoen gỉ. Chiếc giá cắm nến bằng đồng, hay những bức tượng rồng, tượng nghê, thiềm thừ (cóc vàng), kim ngưu (trâu vàng), cá chép… cũng trở thành thứ hàng được bày bán.
Không xô bồ, không mặc cả, kẻ bán, người mua cư xử với nhau rất lịch sự, nhẹ nhàng, khác hẳn những phiên chợ khác. Nó tạo thành một nét riêng, độc đáo, hiếm có của phiên chợ “độc nhất vô nhị” giữa lòng Hà Nội này.
Sạp đồ đồng với hàng trăm món hàng khác nhau.
Có những sạp hàng đậm màu cổ kính.
Đồ đồng “thời Đông Sơn” nằm lẫn trong đống đồ sành sứ.
Một chú rùa tí hon đã “vài chục năm tuổi” như lời quảng cáo của chủ hàng.
Sạp hàng bán vô vàn các loại đèn.
Những ngọn đèn cổ vẫn leo lét cháy.
Một chiếc đồng hồ kiểu dáng cổ xưa.
Đủ loại tiền từ hàng trăm năm trước.
Một cụ già đếm thời gian với chiếc đồng hồ cổ.
Tiến Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét