TTO - Sau gần một tuần khai hội tại TP Sóc Trăng, lễ Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer Nam bộ đã chính thức bước vào ngày hội chính vào trưa 1-11 bằng lễ khai mạc hội đua ghe ngo truyền thống tại Sung Đinh ở phường 8, TP Sóc Trăng.
Trên 100.000 người đổ xô về Sóc Trăng xem đua ghe ngo ngày 1-11 - Ảnh: DUY KHANG
Khán đài đua ghe ngo 2.000 chỗ ngồi có mái che vừa được đầu tư trên 70 tỉ đồng trở nên nhỏ bé khi có trên 100.000 người từ khắp cả nước đổ xô về khu vực phát ra điệu lâm thôn rộn ràng và những hồi trống trận thúc giục các tay bơi thoăn thoắt đưa ghe ngo lướt nhanh về đích.
Tuyến đường dài khoảng 5km dọc hai bờ sông Maspéro chật kín người và xe, tiếng hò reo của những cổ động viên làm náo nhiệt cả dòng “sông Trăng” thơ mộng. Không chen kịp chân đến khu vực khán đài, nhiều người đã leo lên mái nhà, ngọn cây và lội xuống sông xem đua ghe ngo.
Trong ngày đua đầu tiên, khoảng 500 tay bơi nữ của 9 đội ghe ngo đã tham gia tranh tài cự ly 600m. Là địa phương có phong trào đua thuyền rồng nữ khá mạnh nên huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã đưa đến hội đua ghe ngo Oóc Om Bóc năm nay hai đội.
Thật bất ngờ, cả hai đội của đơn vị này giành được thứ hạng rất cao, trong đó đội Đơm Pô ở xã Đại Ân 2 đoạt cúp vô địch và đội Tức Rây ở thị trấn Long Phú đoạt hạng tư. Hạng nhì, ba cự yi 600m nữ lần lượt được trao cho đội Sà Lôn của huyện Mỹ Xuyên và đội Sòm Rọng của phường 5, TP Sóc Trăng.
Hàng trăm tay bơi tóc dài làm khuấy động sông Maspéro, TP Sóc Trăng tại hội đua ghe ngo trưa 1-11 - Ảnh: DUY KHANG
Ông Lâm Ren - trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng - cho biết đua ghe ngo là hoạt động thể thao truyền thống của lễ hội Oóc Om Bóc thu hút hàng trăm ngàn người đến xem, trong đó đa số là bà con Khmer gần xa đến cổ vũ và xem các ghe tranh tài.
Anh Sơn Lil ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn, Vĩnh Long) đến Sóc Trăng xem đua ghe ngo cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đến Sóc Trăng xem đua ghe ngo. Sau những ngày làm lụng vất vả trên đồng ruộng, giờ đến lễ Oóc Om Bóc mà không đến Sóc Trăng vui hội thì tiếc lắm nên cả nhà thống nhất khóa cửa cùng đi chơi. Tối nay sẽ thức suốt đêm để lội bộ đi chơi khắp các đường phố Sóc Trăng cho thỏa thích”.
Hòa cùng không khí lễ hội Oóc Om Bóc, những ngày qua tại Sóc Trăng đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: hội chợ thương mại du lịch gắn kết với chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, liên hoan ẩm thực 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Tối nay tại TP Sóc Trăng diễn ra hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.
Hàng ngàn người đổ xô vào hồ Nước Ngọt, TP Sóc Trăng vui lễ hội Oóc Om Bóc - Ảnh: DUY KHANG
Suốt đêm nay hàng trăm ngàn người Khmer ở các tỉnh ĐBSCL không ngủ mà tiếp tục kéo về TP Sóc Trăng để cùng nhau... đi bộ bởi dòng người chật ních tất cả tuyến đường chính trong nội ô TP Sóc Trăng nên mọi người phải gửi xe ở khu vực ngoại ô.
Sáng 2-11, hội đua ghe ngo tiếp tục diễn ra nội dung thi đấu của nam.
DUY KHANG
TTO - Chiều 2-11, tuần lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khơme Nam bộ diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng đã kết thúc sau những trận tranh tài sôi nổi của hàng chục đội ghe ngo đến từ các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Hàng trăm ngàn người đứng dọc theo sông Maspéro để xem đua ghe - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Hòa cùng tiếng trống trận vang vội trên sông nước, điệu lâm - thôn của đồng bào dân tộc Khơmer rộn ràng, 8 đội ghe ngo nữ bước vào những trận tranh tài quyết liệt ở cự li 1.000m.
Trèo lên mái nhà xem đua ghe ngo - Ảnh: Duy Khang
Đúng như dự đoán của giới chuyên môn, sau khi giành hạng nhất ở cự li 600m vào ngày hôm trước (1-11), đội Đơm Pô ở xã Đại Ân 2 (Long Phú, Sóc Trăng) tiếp tục đoạt cúp vô địch cự li 800m với phần thưởng 20 triệu đồng. Đối với Công ty Cổ phần thủy sản Út Xi, do có đến 70% nữ công nhân là người dân tộc Khơme nên lần đầu tiên công ty mạnh dạn đầu tư một đội ghe ngo nữ và đã xuất sắc giành được hạng nhì.
Trận tranh tài quyết liệt giữa KósTung và Bốn Mặt - Ảnh: Duy Khang
Ở nội dung đồng hàng nam cự li 1.200m có đến 29 đội tham dự nên cuộc đua kéo dài đến khi trời sập tối. Nếu như năm trước đội Bốn Mặt của huyện Mỹ Tú vượt qua đội KósTung của huyện Cù Lao Dung thì hội đua ghe ngo năm nay đội KósTung đã gặp lại đội Bốn Mặt ở trận chung kết và đã “lật kèo” ngoạn mục để giành chức vô địch trong rộn rã tiếng hò heo của hàng trăm ngàn khán giả. Lần đầu tiên Cà Mau đưa ghe ngo tham gia lệ hội Oóc Om Bóc nhưng cũng đã lọt vào vị trị 4 đội dẫn đầu nội dung đồng hàng nam cự li 1.200m.
Kết thúc hội đua ghe ngo - kết thúc lễ Oóc Om Bóc, hàng trăm ngàn người dân Khơme ĐBSCL lại tiếp tục trở về với ruộng đồng, hăng say lao động, sản xuất và tiếp tục chờ đợi lễ hội Oóc Om Bóc năm sau.
Mời bạn đọc xem chùm ảnh về cuộc đua ghe ngo năm nay:
Ảnh: Hoàng Thạch Vân
DUY KHANG - HOÀNG THẠCH VÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét