Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Thưởng lãm vẻ đẹp cây rừng quý hiếm ở độ cao trên 2000m

Nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc cây thuốc”, “vương quốc hoa Đỗ Quyên”… của cả khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam. Có lẽ vì thế vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa là một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách khi tới Sa Pa.

Vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ vào bậc nhất Việt Nam và Đông Dương có nguồn gen quý hiếm của hệ sinh vật tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới.

Vì thế năm 2003 Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã có quyết định chính thức công nhận vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa là Vườn di sản ASEAN và gần đây chính phủ cộng hoà Pháp tài trợ 600 ngàn Euro góp phần tăng cường công tác quản lý , bảo vệ vườn di sản độc đáo này phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.

Kỹ sư lâm nghiệp Phạm Văn Đăng, giám đốc vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa cho chúng tôi biết giá trị nhiều mặt của khu vườn: “Vườn di sản ASEAN Hoàng Liên - Sa Pa rộng gần 30 ngàn héc ta nằm trên địa bàn 6 xã vùng cao của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và huyện Tân Uyên của tỉnh bạn Lai Châu. Vườn hiện có 2024 loài thực vật, đặc biệt có 113 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ của thế giới (IUCN-2000 ) và cũng là nơi có những loài động - thực vật đặc hữu mang tên Hoàng Liên, Phan Si Păng, Sa Pa. Trong số đó có một số cây dựơc liệu quý hiếm như Hoàng Liên chân gà, Hoàng Liên ô rô, nấm linh chi Sa Pa, tam thất rừng Hoàng Liên, giảo cổ am Phan Si Păng…

Vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa còn được mệnh danh là “vương quốc cây thuốc”, “vương quốc phong lan”, “vương quốc hoa Đỗ Quyên”… của cả khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam. Có lẽ vì thế địa danh này là một trong những điểm đến không thể thiếu của không ít các nhà khoa học, du khách quốc tế, nhất là du khách trẻ mỗi khi lên thăm khu du lịch Sa Pa.

Xin giới thiệu chùm ảnh về vẻ đẹp cây rừng tự nhiên quý hiếm ở độ cao 2200 - 3000 mét trong vườn di sản ASEAN Hoàng Liên - Sa Pa mà chúng tôi vừa ghi được:


Hoa đỗ quyên

Hoa đỗ quyên ở độ cao 2.800m trên rừng Hoàng Liên


Cây lá vàng ở độ cao 2.500m


Mận đỏ trong vườn di sản ASEAN

Rừng trúc


Thảo quả được trồng ở độ cao 1.000m ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên


Cây rừng nguyên sinh trong vườn quốc gia Hoàng Liên

Đỉnh Phan Si Păng nhìn từ trị trấn Sa Pa

Đỉnh Phan Si Păng

Tin: Phạm Ngọc Triển

Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Một thoáng Sơn Kim - Hà Tĩnh

Nằm cạnh quốc lộ 8A về phía Tây Hà Tĩnh, cách TP Vinh 100km, gần Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuộc địa bàn xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn. Sơn Kim là khu du lịch sinh thái lớn nhất của khu vực Bắc trung Bộ có suối nước nóng… ở độ sâu hơn 100m.

Sơn Kim được biết đến bởi nơi đây được thiên nhiên ban tặng một nguồn nước nóng từ độ sâu hơn 100m dưới lòng đất. Khu du lịch Sơn Kim trải rộng trên diện tích hơn 300ha, là tổng hòa các cảnh quan tươi đẹp, sơn thủy hữu tình. Trên là những cánh rừng già với nhiều cây quý hiếm. Dưới là dòng suối trong xanh với nhiều bãi đá, cát tự nhiên.

Vào sâu trong khu du lịch du khách có thể khám phá thác Cá Nhảy với nhiều sự tích dân gian, thác Tiên Nữ dội thẳng đứng từ trên cao tung bọt trắng xóa bên cạnh những tảng đá tự nhiên hình dáng các con vật ở nhiều tư thế khác nhau.

Đặc biệt, dưới lòng đất có nguồn nước khoáng nóng phù hợp cho việc giải khát, dưỡng bệnh và chữa bệnh. Tại đây, bạn được ngâm mình trong nước khoáng nóng để thư giãn và dưỡng bệnh.

Nước khoáng nóng sẽ thẩm thấu các thành phần của nó đánh thức các tế bào…. Ngoài ra, các chất vôi từ nước khoáng nóng sẽ theo lỗ chân lông ngấm sâu vào dưới lớp da làm phục hồi các tế bào, tăng cường cơ bắp và giúp bạn xoa dịu stress.

Theo Tiêu chuẩn của cộng đồng Châu Âu và Bộ Y tế đã kiểm định và xác nhận rằng khi ngâm tắm trong nước khoáng nóng sẽ có tác dụng chữa một số bệnh như: Bệnh cơ xương khớp, cột sống, bệnh về thần kinh, bệnh ngoài da, bệnh về mạch máu, phục hồi các chức năng sau điều trị, lao động mệt mỏi,….

Bên cạnh đó, bạn có thể ngắm những ngôi nhà sàn cheo leo bên sườn núi, những dòng suối cũng những phiến đá với hình thù lạ mắt.


Nước chảy qua từng phiến đá khiến bọt tung trắng xóa


Dòng nước trong xanh long lanh cùng những phiến đá nơi dòng Sơn Kim

Sim, xi lau cỏ cây mọc trên đá

Những phiến đá được bào mòn theo thời gian, tạo cho Sơn Kim có một phong cảnh rất đẹp

Thời gian trôi đi, để lại cho Sơn Kim một phong cảnh rất riêng của núi rừng miền Tây Hà Tĩnh

Du khách có thể ngâm mình trong nước khoáng nóng được lấy ở độ sâu 100m từ dưới lòng đất. Cachs thư giãn, giảm stress hiểu quả nhất là ngâm mình trong nước khoáng nóng như thế này

Nắng sớm Sơn Kim

Bãi đá tự nhiên rất đẹp. Trên dòng Sơn Kim là thủy điện Hương Sơn

Nét hoang sơ của núi rừng ở khu du lịch nước nóng Sơn Kim.

Nguyễn Duy

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Nụ cười sơn cước

Các thiếu nữ Mông, Phù Lá, Hà Nhì… mà chúng tôi gặp trong những chuyến đi và kịp ghi lại một khoảnh khắc duyên dáng của họ, mỗi người có một vẻ đẹp riêng. Nhìn trang phục, bạn có thể nhận ra họ thuộc dân tộc nào đấy!

Miền núi phía Bắc không chỉ có phong cảnh hùng vĩ trữ tình, mà còn là nơi sinh sống của nhiều thiếu nữ dân tộc thiểu số mang bản sắc riêng độc đáo.


Thiếu nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài yếm, váy hoặc quần. Y phục rất sặc sỡ với nhiều loại hoa văn như chữ vạn, cây thông, hình chim, người, động vật, lá cây...


Thiếu nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu thường đội khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Họ mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí (2 phần gần như chia đôi giữa thân, vai, và ống tay cũng như gấu áo).


Thiếu nữ Nùng với y phục truyền thống khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Áo năm thân, dài quá hông, cài cúc bên nách phải.


Thiếu nữ Hà Nhì mặc áo dài 5 thân, xẻ từ sườn xuống chân. Áo bằng vải bông nhuộm chàm màu đen, màu xanh. Trên ngực áo phía phải, gắn thêm những đồng xu bằng bạc hoặc cúc bằng nhôm. Khăn, ngực áo và hai ống tay áo, là nơi để chị em phô diễn kỹ nghệ thêu móc và trình độ thẩm mỹ của mình thông qua cách bố trí các khoanh vải có màu sắc tương phản nhau, cùng những đường nét hoa văn.


Thiếu nữ Mông đen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.


Thiếu nữ Mông trắng thì trang phục thường làm bằng vải lanh trắng và áo thường xẻ ngực có thêu hoa văn ở cánh tay và yếm sau lưng.


Thiếu nữ Mông hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu.


Trang phục của thiếu nữ Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài.

Thiếu nữ Pa Dí vận bộ trang phục rất độc đáo với cái mũ rất cao trông giống như nhà Rông của người Tây Nguyên. Để đội được cái mũ đó, các thiếu nữ phải vất vả búi tóc lên và mặc toàn bộ trang phục mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.


Thiếu nữ Giáy thường mặc quần màu chàm có dải vải đỏ đắp trên phần cạp, áo cánh 5 thân xẻ tà, dài quá mông, cài khuy bên nách phải, cổ tay áo viền những dải vải khác màu. Các cô thướng vấn tóc quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo đuôi tóc, vai khoác túi thêu chỉ màu với hoa văn là những đường gấp khúc.

Phạm Ngọc Bằng

Mùa hoa cải ven sông Hồng

Trong giá lạnh đầu đông, những cánh đồng hoa cải ven sông Hồng tuyệt đẹp, khoe sắc vàng rực rỡ. Hình ảnh được bạn Diem Dang Dung chia sẻ.


Cánh đồng hoa cải trải dài.


Những chú ong mật miệt mài làm việc trên những cánh hoa.


Người nông dân tưới cho những luống cải mới đang ươm mầm.

Diem Dang Dung

Hoang sơ Hà Giang

Cao nguyên đá ngút tầm mắt, bản làng yên bình dưới chân núi, phiên chợ vùng cao được độc giả Trần Thu Tưởng ghi lại trên đường đến Mèo Vạc, Đồng Văn, Lũng Cú, Hà Giang.


Làng Lô Lô yên bình dưới chân Cột Cờ Lũng Cú.


Sương mù che phủ làng Lô Lô.


Nghỉ chân trên đường đến chợ phiên Đồng Văn.


Chợ phiên Đồng Văn.


Mây núi trên đỉnh Mã Pí Lèng.


Cao nguyên đá Đồng Văn.


Sông Nho Quế ôm chân dãy Mã Pí Lèng.


Gùi hy vọng trên vai.


Giải khát trên đường đi chợ Lùi ở xã Lũng Phìn.

Trần Thu Tưởng